Lãnh đạo T&T Group trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Trước hết, xin chân thành cảm ơn bà Phó Tổng giám đốc T&T Group đã giành thời gian cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam có cuộc phỏng vấn hôm nay.
Xin bà cho biết những thành tựu chính trong lĩnh vực năng lượng mà Tập đoàn T&T đã đạt được trong năm 2022? Đóng góp của lĩnh vực năng lượng vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống trong nước như than, khí và thủy điện lớn đã chạm đến giới hạn khai thác và các đòi hỏi ngày càng cao về bảo vệ môi trường, thì phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo được xem là giải pháp cần thiết, để vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện ngày một tăng cao, vừa góp phần phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, hòa cùng mục tiêu chung hướng tới nền kinh tế carbon thấp và cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, Tập đoàn T&T đã rất chú trọng, đưa ra chiến lược phát triển mạnh mẽ nguồn điện xanh.
Cụ thể, trong những năm gần đây, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG với tổng công suất đạt gần 2.500 MW. Trong đó, riêng điện gió, mặt trời đã COD (công nhận vận hành thương mại) và hoàn thành đầu tư xây dựng đạt khoảng 1.000 MW.
Về dự án LNG, chúng tôi cũng đã hoàn thành hai phần việc quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị, đó là khởi công hợp phần kỹ thuật và lập FS dự án. Hơn thế nữa, Tập đoàn cũng đã xây dựng một danh mục đầu tư với hơn 25 dự án lớn có tổng công suất trên 20.000 MW (bao gồm cả điện gió trên bờ, gần bờ, lẫn ngoài khơi, và điện sinh khối). Các dự này đã được UBND các tỉnh chấp thuận lập báo cáo đầu tư, trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét để bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Theo tính toán, tổng sản lượng điện của T&T Group từ nguồn năng lượng tái tạo đã COD và cả các dự án đã hoàn thành xây dựng đấu nối lưới điện quốc gia sẽ đạt trung bình khoảng 2,1 tỷ kWh, cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương khoảng 1,77 triệu tấn CO2 mỗi năm. Với giá điện gió áp dụng theo Quyết định 39, điện mặt trời theo Quyết định 13 (đối với các dự án đã COD) và một phần dự án sẽ áp dụng theo cơ chế chuyển tiếp, thì đóng góp của các dự án này là rất thiết thực vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn cả thời điểm hiện tại lẫn tương lai trong suốt vòng đời dự án.
Có khá nhiều tập đoàn, công ty trong và ngoài nước đang bày tỏ ý định, cũng như kế hoạch đầu tư nguồn điện sử dụng LNG - một lĩnh vực thuộc dạng “chuỗi nhiên liệu” nhiều mắt xích gắn kết hữu cơ, đồng thời đòi hỏi vốn rất lớn. Vậy, theo bà đâu là thế mạnh của T&T Group khi đầu tư vào nguồn điện LNG?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Điện khí LNG là các dự án đòi hỏi công nghệ và trình độ cao về đầu tư xây dựng, quản trị, vận hành và vốn đầu tư rất lớn. Hiện nay, ở Việt Nam, điện khí LNG còn mới mẻ, chưa có dự án điện khí LNG nào đi vào hoạt động, trong khi nhiều quốc gia khác đã có các dự án điện khí LNG từ hơn 30 năm trước.
Do vậy, khi quyết định đầu tư lĩnh vực này, chúng tôi xác định cần “đi tắt đón đầu” bằng việc đồng hành cùng những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực điện khí LNG và có tiềm lực tài chính mạnh. Ngoài ra, cần có sự chuẩn bị vững vàng về tài chính, chuẩn bị các nguồn lực khác để đầu tư và đưa các dự án cán đích thành công.
Thế mạnh của chúng tôi chính là bắt tay được với những “cá mập” trong ngành điện khí để cùng đầu tư dự án và có được các cam kết tín dụng của các định chế tài chính lớn.
Cụ thể, với dự án LNG Hải Lăng, Quảng Trị (1.500 MW), Liên danh nhà đầu tư gồm: T&T Group của Việt Nam và Hanwha Energy, Kogas, Kospo - đều là các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc và thế giới trong lĩnh vực năng lượng, có tiềm lực tài chính mạnh, cũng như kinh nghiệm thu xếp vốn quốc tế.
Mỗi nhà đầu tư có một thế mạnh nổi bật: Kospo đã đầu tư, vận hành gần chục nhà máy LNG từ hơn 30 năm nay, Kogas là một trong các nhà nhập khẩu, phân phối khí LNG hàng đầu thế giới, Hanwha Energy là công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Hanwha - nằm trong Top 10 các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin về năng lực của liên danh trong việc đầu tư hiệu quả dự án có “chuỗi nhiên liệu” nhiều mắt xích gắn kết hữu cơ và đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Ngoài ra, với vị trí tiên phong trong đầu tư các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam và những chiến lược tham vọng, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam, chúng tôi đã có được sự đồng hành của các định chế tài chính lớn trên thế giới. Ví dụ, Standard Chartered Bank (SCB) - một trong các định chế tài chính hàng đầu thế giới đã cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T đang triển khai.
Ngoài ra, với kinh nghiệm thực hiện các dự án nguồn điện tái tạo trong thời gian qua, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ sẵn có, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện hữu, sẽ là cơ sở và lợi thế để T&T Group có thể triển khai thành công không chỉ các dự án LNG mà còn nhiều dự án nguồn điện lớn, phức tạp khác.
Trong khủng hoảng năng lượng hiện nay, giá nhiên liệu LNG tăng mạnh và biến động bất thường, T&T Group có chiến lược gì để có thể chủ động đảm bảo nguồn cung nhiên liệu này trong dài hạn với giá ổn định, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Chúng ta đều biết rằng, giá khí LNG sẽ là một trong những nhân tố chủ chốt quyết định đến giá thành và giá bán điện của các dự án điện LNG. Do vậy, đảm bảo nguồn cung LNG sẵn có trong dài hạn với giá phù hợp, ổn định đang là bài toán đau đầu đối với tất cả các nhà đầu tư, và cần sớm có lời giải tối ưu trong bối cảnh hiện nay, khi các xung đột chính trị leo thang, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường LNG thế giới.
Tập đoàn T&T luôn ưu tiên tìm kiếm đối tác tham gia đầu tư có khả năng đảm bảo thu xếp vốn và có khả năng thu xếp nguồn cung khí LNG đảm bảo dài hạn cho dự án. Trong trường hợp này, phía đối tác tham gia liên doanh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp nguồn cung khí ổn định, lâu dài cho dự án.
Như tôi đã để cập ở trên, đối với dự án LNG Hải Lăng, đối tác trong Liên danh đầu tư của chúng tôi là Tập đoàn Kogas. Kogas hiện đảm nhận nhập khẩu 80% khí LNG của Hàn Quốc và Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ khí LNG thứ 3 trên thế giới. Kogas hiểu rất rõ thị trường, cũng như các nhà cung cấp với giá và các điều kiện ưu đãi nhất. Chúng tôi cũng đã cùng đối tác có các nghiên cứu, đánh giá bài bản, phân tích diễn biến thị trường khí LNG và dự báo cho 5, 10, 20 năm tới để chủ động trong phương án nguồn khí LNG ổn định cho dự án.
Theo phân tích và dự báo của chúng tôi, hiện nay giá khí đang rất cao. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một số mỏ khí lớn trên thế giới sẽ sớm đi vào hoạt động, giá khí sẽ dần trở lại ổn định từ năm 2026. Đây là thời điểm dự án của chúng tôi sắp đi vào vận hành (COD) bắt đầu chính thức nhập khí, do vậy điểm rơi rất phù hợp.
Ngoài ra, ngay từ bây giờ, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp khí để chuẩn bị ký kết các hợp đồng nguyên tắc về cung cấp khí, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, phù hợp nhất cho dự án, tối ưu hóa chi phí và để có được giá điện tốt nhất, cạnh tranh nhất.
Hy vọng năm 2023 sẽ có Quy hoạch điện VIII. Thưa bà, khi đó T&T Group sẽ đầu tư phát triển thêm những công trình nguồn năng lượng tái tạo nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ (ngày 11/11/2022), dự kiến tại kịch bản cao phục vụ điều hành sẽ có 39.486 MW, chiếm 27% và sẽ tăng lên 295.638 MW, chiếm 58,9% tổng công suất nguồn điện vào năm 2030 và 2050. Nắm bắt định hướng này, với sứ mệnh “đem đến những giá trị cốt lõi vì sự phát triển bền vững đất nước”, T&T Group đã có những bước chuẩn bị đầy tham vọng nhằm đầu tư mạnh mẽ các dự điện gió và các dự án điện sinh khối...
Ngoài việc phát huy nội lực, chúng tôi hiện cũng đang có những dự án hợp tác cùng đầu tư với các tập đoàn quốc tế lớn trên thế giới. Việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai, cũng như mang đến những kinh nghiệm và nguồn tài chính quốc tế quý báu trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.
Tiếp nối thành quả đã và đang đầu tư các dự án trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), T&T Group xác định năng lượng tiếp tục là 1 trong các lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của Tập đoàn. Chúng tôi và các đối tác đã có 1 danh mục các dự án với tổng công suất khá lớn đề xuất cập nhật vào Quy hoạch điện VIII. Chúng tôi hy vọng rằng, Quy hoạch VIII sẽ sớm được phê duyệt, làm cơ sở triển khai các dự án năng lượng nói chung và của T&T Group nói riêng.
Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, chúng tôi sẽ thực hiện các bước theo quy định để có thể trở thành chủ đầu tư của các dự án. Tập đoàn đang hướng đến mục tiêu vào năm 2030 sở hữu và đồng sở hữu nguồn điện 12.000 - 15.000 MW, trong đó, điện tái tạo chiếm từ 60 - 75%. Các nguồn điện tái tạo sẽ bao gồm: Điện gió (trên bờ, gần bờ, ngoài khơi), điện mặt trời, điện sinh khối và điện từ rác thải.
Ngoài đầu tư trong nước, Tập đoàn cũng đang xem xét đầu tư phát triển điện năng lượng tái tạo ở ngoài nước trong giai đoạn đến 2025 - 2030.
Trong năm 2023 và tương lai, T&T Group sẽ phối hợp các dự án năng lượng tái tạo với dự án điện khí như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Trong năm 2023 và những năm sau đó, T&T Group sẽ phối kết hợp không chỉ các dự án năng lượng tái tạo với nhau mà còn xem xét phối hợp với các dự án điện LNG, nhiệt điện đốt than tầng sôi hiện hữu kèm sinh khối. Sự phối hợp này sẽ được đặt trong cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII. Cụ thể là chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi không đấu nối lưới điện quốc gia cho sản xuất hyrogen, xem xét nhu cầu sử dụng hydrogen cho đốt kèm, đốt hoàn toàn đối với nhiệt điện khí nội và LNG mới. Sự phối hợp này sẽ được tính toán dựa trên các phân tích và đánh giá về chi phí đầu vào, giá đầu ra, cũng như sự tương hỗ, tương tác trong chuỗi cung ứng giữa các dự án điện.
Với bối cảnh trên, chúng tôi đang chủ động xây dựng các dự án sản xuất hydrogen từ điện phân nước biển phục vụ cho nhu cầu trong nước nói chung và nội tại cho dự án điện khí LNG Hải Lăng nói riêng và có thể xuất khẩu khi điều kiện thuận lợi tại các dự án điện gió ngoài khơi trong danh mục hiện hữu của Tập đoàn như điện gió ngoài khơi Tuy Phong, Bình Thuận 1, Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 1…
Cùng với các thỏa thuận triển khai các dự án nguồn điện, T&T Group cũng đang đề xuất lựa chọn địa điểm xây dựng khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo để tạo ra chuỗi cung ứng các thiết bị tại chỗ nhằm hướng tới tăng mức độ nội địa hóa, giảm giá thành đầu tư, tạo ra giá điện tốt, cạnh tranh nhất.
Trân trọng cảm ơn bà. Nhân dịp đón năm mới - 2023, xin chúc bà mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công; chúc T&T Group ngày càng lớn mạnh và hoạt động hiệu quả.