ĐẦU TƯ LOẠT DỰ ÁN TỶ ĐÔ KHẢ THI, T&T GROUP "HIẾN KẾ" PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC
Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: T&T Group, VinGroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, SunGroup, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Tại Hội nghị, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược T&T Group – doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã có nhiều ý kiến phát biểu, đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
T&T Group luôn đồng hành, cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Được thành lập từ năm 1993, trải qua hơn 30 năm thành lập và phát triển, Tập đoàn T&T Group đã và đang đồng hành, cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; luôn cầu thị, học hỏi và hoàn thiện; không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững, hòa nhịp cùng xu thế chung của thế giới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Hiện nay, Tập đoàn T&T Group đang đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực lớn của đất nước, gồm: tài chính – ngân hàng; năng lượng tái tạo và môi trường; công thương – xuất nhập khẩu - logistics công nghệ cao; cảng biển – cảng hàng không – hạ tầng giao thông; bất động sản (bao gồm cả bất động sản công nghiệp); nông nghiệp, lâm nghiệp; y tế, giáo dục và thể thao. Với khoảng 200 đơn vị thành viên, liên doanh, liên kết và hơn 80.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống, Tập đoàn T&T Group đang hoạt động sôi nổi tại cả thị trường trong nước và quốc tế, là đối tác, khách hàng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
T&T Group đầu tư các dự án quy mô lớn lên tới hàng chục tỷ USD
Hiện nay các dự án kinh doanh của Tập đoàn T&T Group đã đầu tư và đưa vào khai thác với quy mô lớn lên tới hàng chục tỉ đô la. Trong đó đặc biệt là các dự án công nghệ cao, tiên tiến, thông minh.
Ví dụ thứ nhất là dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc – “siêu cảng” đầu tiên của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN, có tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD. Đây là dự án logistic công nghệ cao, thông minh đa phương thức được đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc, nằm trong chuỗi cung ứng hành lang kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung quốc - Việt Nam – ASEAN với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Là một nút quan trọng trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN, “siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc có vai trò nhằm tăng cường hội nhập và thương mại xuyên biên giới trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng liền mạch, nhanh hơn và thông minh hơn. Đồng thời, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, mà ví dụ điển hình nhất hiện nay là Tập đoàn DELL của Mỹ cũng đang có quan hệ hợp tác với Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc.
Khi hợp tác đầu tư “siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc cùng Tập đoàn YCH (Singapore) – đây là tập đoàn hàng đầu Châu Á và trên thế giới về logistics thông minh, có cam kết phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao. Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc đã và đang hợp tác cùng Tập đoàn YCH và Học viện Logistics và Chuỗi cung ứng Singapore (SCALA) để đào tạo 500 chuyên gia logistics. Chúng tôi cam kết trong lộ trình 10 năm, sẽ đào tạo và chuyển giao công nghệ, quản trị, quản lý cho người Việt Nam để nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ trong lĩnh vực logistics, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và R&D quan trọng.
Thứ hai, T&T Group đã và đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Hiện nay, đã có hơn 1.000 MW đã đi vào hoạt động, bao gồm điện gió, điện mặt trời tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Đáng chú ý, T&T Group cũng đã khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng – 1.500 MW tại tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ USD, do liên danh T&T Group và 3 đối tác lớn của Hàn Quốc hợp tác thực hiện.
Đặc biệt, T&T Group cũng đã ký hợp tác cùng Tập đoàn SK (Hàn Quốc) để sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon và đầu tư tổ hợp khí tại Quảng Trị.
Và đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Trước đây, T&T Group đã liên doanh với tập đoàn Orsted của Đan Mạch và Tập đoàn Marubeni của Nhật. Tập đoàn Orsted của Đan Mạch là Tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất điện gió ngoài khơi, cũng tham mưu cho Chính phủ chính sách để phát triển điện gió ngoài khơi, và họ chiếm 25% sản lượng điện gió ngoài khơi trên thế giới. Họ có đề xuất như này, vừa rồi họ rút, vì họ nghe thấy thủ tục phức tạp quá, họ có cả công văn gửi Thủ tướng xin rút. Nhưng nếu mà họ tham gia thì rất là tốt, vì họ có 1 đề án với Tập đoàn T&T Group là họ sẽ đầu tư 1 tổ hợp công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam - là 1 Hubs sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu ra châu Á và thế giới, nhưng với điều kiện là họ phải ít nhất đầu tư trên 10.000 MW. Có thể cho họ 1 hành trình 10 năm, 20 năm cũng được, thì họ sẽ đầu tư tổ hợp cụm công nghiệp năng lượng tái tạo và họ sẽ mời các nhà sản xuất linh kiện họ đang mua ở các nước vào sản xuất tại Việt Nam và cung cấp cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam và xuất khẩu.
Thứ ba, Tập đoàn T&T Group cũng đã đầu tư vào sân bay Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư sân bay theo phương thức đối tác công – tư (PPP) thứ hai trên cả nước. Hiện T&T Group đang tích cực đầu tư và dự kiến sẽ khánh thành sân bay Quảng Trị vào tháng 5/2026. Đặc biệt, trong khu sân bay Quảng Trị, T&T Group cũng đề xuất kế hoạch quy hoạch tích hợp hơn 3.700 ha tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay. Trong đó, đặc biệt có tổ hợp công nghiệp chế tạo và bảo trì bảo dưỡng phụ kiện công nghiệp hàng không. Và đầu tiên là từ bảo trì bảo dưỡng, xong sẽ sản xuất linh kiện từ cấp độ 1 cho đến cấp cao. Quảng Trị đang trong quá trình xây dựng quy hoạch này và tham vấn ý kiến tư vấn của đối tác Singapore.
Vì vậy, Tập đoàn T&T Group đề xuất với Chính phủ quan tâm ủng hộ cho quy hoạch thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay tại cảng hàng không Quảng Trị; đồng thời sớm xem xét đề án sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải các bon, tổ hợp khí tại Quảng Trị của Liên danh T&T – SK (Hàn Quốc).
Thứ tư, là về lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường bộ, đường cao tốc. Trong đó có dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (Lâm Đồng) nhưng hiện đang gặp vướng mắc về quy hoạch nên phải tạm dừng lại. Ngoài ra T&T Group cũng đã đăng ký từ cách đây 2 năm tham gia đầu tư dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và hiện Tập đoàn đang chờ chủ trương để có thể xúc tiến thực hiện.
Thứ năm, hiện nay, Tập đoàn cũng đang hợp tác với một Tập đoàn Ấn Độ với mong muốn đầu tư 1 khu công viên dược công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng tại Việt Nam. Hiện đối tác Ấn Độ đã đầu tư thành công công việc dược công nghệ cao ở Ấn Độ và các nhà sản xuất dược hàng đầu thế giới với những loại thuốc đặc trị cũng đã đầu tư ở đó. Họ đang muốn hợp tác cùng T&T Group đề đầu tư một khu công viên dược như vậy tại Việt Nam.
Qua thực tế hợp tác cùng các đối tác lớn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó điển hình là năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, Tập đoàn T&T Group kiến nghị Thủ tướng: Đối với những dự án công nghệ cao, đòi hỏi quản trị, đòi hỏi tài chính thì Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho cơ chế là giao nhiệm vụ và chỉ định, và cho các thành phần kinh tế cùng tham gia… Như vừa rồi, không phải chỉ cho Tập đoàn nhà nước làm điện gió ngoài khơi, mà nên cho cả tư nhân và nước ngoài tham gia. Tập đoàn tư nhân tham gia để linh hoạt, và Tập đoàn nước ngoài tham gia để có công nghệ cao, quản trị và nguồn tài chính lớn, miễn làm sao tuân thủ những quy định, đảm bảo an ninh quốc phòng, chuyển giao công nghệ và cam kết trong vòng 10 năm ông tham gia.
Hiện nay, Tập đoàn T&T Group hợp tác với các đối tác nước ngoài đều có điều kiện: Thứ nhất là tuân thủ pháp luật, an ninh quốc phòng. Thứ 2 là phải đào tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển giao quản lý trong vòng tối thiểu 10 -15 năm. Thứ 3 là muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam. Đó là những thoả thuận cơ bản.