10/02/2022

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Đỗ Quang Hiển - Sức mạnh như hổ và khát vọng dân tộc

Cùng nghe những chia sẻ của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đỗ Quang Hiển về tầm nhìn và khát vọng của một "doanh nhân dân tộc" với Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes)

- Cách đây hơn một năm, tôi có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Đình Thiên về “chân dung” đích thực của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Tập đoàn T&T. Ông Thiên đã thẳng thắn chia sẻ rằng: Ông Hiển từng xác nhận mình là người đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực và như vậy, quản trị rất khó khăn. Bây giờ làm nhiều thứ quá. Tới đây phải tập trung hơn.

PGS. TS. Trần Đình Thiên khẳng định: “Khi T&T lựa chọn đầu tư năng lượng sạch thì tôi thấy ông Hiển đang có tham vọng rất rõ ràng. Đó là sự chuyển hướng tích cực, trùng hợp với xu thế tái cấu trúc, chuyển từ kinh tế thực lên kinh tế số. Với tầm nhìn của ông Hiển, với sự chuyển biến đó, chắc T&T sẽ định hình được giá trị cốt lõi của mình sớm”. Hôm nay, tôi rất muốn ông chia sẻ về lý do ông lựa chọn năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên chiến lược của Tập đoàn?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Tròn 2 năm qua, khi Việt Nam căng mình chống lại đại dịch Covid-19 mới thấy rõ những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối diện. Mà càng khó khăn, doanh nghiệp càng cần phải thay đổi.

Tôi có may mắn là từ năm 1993, khi thành lập doanh nghiệp đã luôn có anh em bạn bè và cộng đồng hỗ trợ. May mắn nữa là được tiếp cận, tiếp xúc, tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị có các tổ chức, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ngoài tham gia. Họ đánh giá ở Việt Nam, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, môi trường… xuất phát điểm như ở châu Âu cách đây 30-50 năm.

Thấy như vậy, điều đầu tiên tôi suy nghĩ là họ cũng xuất phát như mình nhưng tại sao lại phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Tôi tìm hiểu về chiến lược, cách đi của họ và nghiệm ra rằng, điều quan trọng nhất là công tác đào tạo con người. Thứ hai họ có văn hóa bảo vệ môi trường. Những học sinh từ bậc học rất nhỏ đã được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, trước đây trong lĩnh vực năng lượng, chúng ta ưu tiên phát triển thủy điện và điện than. Đó là quy luật phát triển bước đầu mà hầu như quốc gia nào cũng trải qua. Đến nay, các quốc gia phát triển đã chuyển đổi thẳng từ điện than, thủy điện sang năng lượng tái tạo (NLTT) như điện mặt trời, điện gió... Từ 15 năm trước, tôi đã có suy nghĩ là Việt Nam rồi cũng sẽ đi theo xu hướng như vậy.

Tôi luôn đau đáu tìm hiểu, nghiên cứu và đặt vấn đề hợp tác với một số đối tác để phát triển NLTT. Đồng thời, cũng có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước dần dần đưa NLTT vào trong quy hoạch phát triển của ngành điện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, việc này cần có lộ trình, bởi nếu làm sớm quá thì giá điện mặt trời, điện gió rất cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam.

Cũng rất may trong 10 năm qua, bản thân tôi cũng như Tập đoàn T&T đã có nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác với một số đối tác, đồng thời hoạch định chiến lược phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ, khi mở rộng quy hoạch NLTT, kịp thời đăng ký tham gia và đầu tư.

Hiện nay, Tập đoàn T&T đã đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió trên bờ công suất gần 2.000MW, đã hòa lưới điện quốc gia được xấp xỉ 1.000MW.

- Vừa rồi, ông đã tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị COP 26 ở châu Âu. Với những cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh để phát triển bền vững thì những cơ hội nào đang mở ra cho các nhà đầu tư, thưa ông?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Vừa rồi, cũng rất mừng khi tham dự Hội nghị COP 26 ở châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn năng lượng quốc tế rất phấn khởi với tuyên bố như vậy của Thủ tướng đã tạo niềm tin không chỉ cho các nhà đầu tư về năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bởi khi đầu tư, họ rất quan tâm đến môi trường phát triển bền vững.

Cam kết của Thủ tướng tạo ra niềm tin rất lớn, tạo ra làn sóng thu hút các tập đoàn thế giới nhất là khu vực châu Âu vào Việt Nam. Trong các chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng cũng tiếp xúc, gặp gỡ, dự hội thảo với các tập đoàn kinh tế lớn của châu Âu. Đánh giá cao cam kết của Thủ tướng, họ cũng đồng thời đề xuất các chiến lược phát triển, trong đó nhấn mạnh chiến lược phát triển năng lượng xanh, mà đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Họ đánh giá điện gió là một trong những lĩnh vực có thể đảm bảo môi trường xanh, không để lại rác thải; đồng thời là thế mạnh của Việt Nam bởi nước ta có bờ biển dài. Các tập đoàn này cũng đã khảo sát rất kỹ và bài bản, thu thập thông tin từ vệ tinh. Họ đã đi trước mình, đạt đến đẳng cấp công nghệ cho nên từ nghiên cứu khảo sát cho đến đánh giá về các thông số đầu tư hay không đầu tư, khả thi hay không khả thi, họ đều đi trước chúng ta 20-30 năm.

Họ sẵn sàng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược điện gió ngoài khơi. Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay, càng ngày công nghệ càng phát triển; với quy mô, sản lượng dự án về năng lượng điện gió và điện gió ngoài khơi phát triển thì giá thành điện gió sẽ giảm dần, có thể giảm tới một nửa, thậm chí rẻ hơn điện than.

Khi Thủ tướng cam kết khí các-bon về 0 thì tôi nghĩ trong quy hoạch điện sửa đổi sẽ phải bỏ bớt điện than, đưa thêm chỉ tiêu phát triển điện gió vào. Hiện nay cũng đã có điều chỉnh rất nhiều và Chính phủ đang tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp. Các tập đoàn tài chính, ngân hàng thế giới sẵn sàng chia sẻ, tài trợ cho các dự án xanh giúp Việt Nam nhanh chóng đảm bảo được lộ trình đưa khí thải các-bon về 0. Họ muốn với lợi thế như vậy, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của châu Á.

Nói đến điện gió, hiện nay, Tập đoàn T&T Group đang hợp tác với một số tập đoàn công nghệ của châu Âu lấy cột điện gió, lấy gió để khử nước mặn. Vừa qua đang thí điểm ở Ninh Thuận. Họ đang có công nghệ dùng cột điện điện gió để khử nước mặn, chống xâm ngập mặn. Đó là một trong những ví dụ về phát triển công nghệ để đảm bảo môi trường. Và họ còn nhiều công nghệ như thế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Hơn 10 năm qua, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, T&T đã hợp tác với nhiều đối tác lớn, hàng đầu về NLTT trên thế giới. Đặc biệt là với điện gió ngoài khơi, chúng tôi đã hợp tác với Tập đoàn Orsted của Đan Mạch. Với điện gió trên bờ thì hợp tác với Tập đoàn Total của Pháp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang trao đổi, hợp tác với các tập đoàn lớn của Australia, Malaysia, Nhật Bản… để phát triển điện gió.

Đối với điện khí LNG, chúng tôi hợp tác với tổ hợp liên doanh các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, chuẩn bị khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất 1.500MW ở tỉnh Quảng Trị.

Vừa rồi, trong khuôn khổ Hội nghị COP 26, Ngân hàng Standard Chartered – một định chế tài chính lớn của châu Âu và thế giới, đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 8 tỷ USD, trong đó Standard Chartered cam kết dành 6 tỷ USD cho các dự án năng lượng, môi trường xanh của T&T Group. Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Standard Chartered thì ông ấy nói không những tài trợ doanh nghiệp, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về ngân sách, mà còn hỗ trợ về nghiên cứu phát triển vấn đề môi trường xanh.

Còn trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng tới Cộng hòa Pháp, Tập đoàn T&T Group cũng ký hợp tác với Tập đoàn Total, họ đề xuất cùng chúng tôi đầu tư về điện gió với trị giá là 3 tỷ USD.

Hiện nay, T&T đang cùng một số đối tác nước ngoài, một số địa phương đề xuất lên Bộ Công Thương và Chính phủ, cho phép tham gia đầu tư một số dự án (chủ yếu là điện gió) bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

- Ông có bí quyết gì để có thể hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Hiện nay, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước hầu như đều chưa có kinh nghiệm. Khi hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài, chúng tôi bất ngờ ngay từ năng lực khảo sát, đánh giá bước đầu trước khi đề xuất đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài họ làm bài bản, kỹ càng, khi họ đề xuất với các tỉnh và Chính phủ thì họ đề xuất luôn công suất bao nhiêu, tọa độ nào, phạm vi nào ở ngoài khơi. Họ đề xuất như vậy bởi họ đã khảo sát tất cả các thông số từ vệ tinh, sức gió, độ sâu của biển… tất cả thông số mà cần đánh giá để xác định dự án đầu tư có khả thi hay không.

Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, chia sẻ thật là có tình trạng “xếp gạch” khi đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi, không dựa trên cơ sở khoa học nào. Có địa phương phạm vi biển mấy nghìn ki-lô-mét vuông, doanh nghiệp nhanh chân vào đăng ký khoanh hết, những doanh nghiệp vào sau thì được trả lời là “phạm vi này đăng ký hết rồi”.

Nếu cứ đăng ký kiểu “xếp gạch” như thế thì rất nguy hiểm, quy hoạch trở thành không khả thi. Cho nên, điện gió ngoài khơi đòi hỏi muốn đầu tư thì khâu khảo sát rất quan trọng, nhà đầu tư cần phải có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm.

Trong các lĩnh vực hoạt động nói chung của T&T Group và lĩnh vực năng lượng nói riêng, chúng tôi đều xác định hợp tác với các đối tác nước ngoài, là các tập đoàn hàng đầu thế giới trong từng lĩnh vực. Khi hợp tác với nước ngoài, chúng tôi luôn yêu cầu đối tác 1 điều là đầu tư phải có lộ trình chuyển giao công nghệ, đào tạo con người Việt Nam tiếp cận trình độ, chuyên môn, để chúng ta được tiếp cận, làm chủ công nghệ sau quá trình hợp tác.

Tất cả hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư với các tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực chứ không phải riêng năng lượng thì T&T và cá nhân tôi luôn yêu cầu đối tác là bên cạnh tài chính thì họ có năng lực về quản trị, công nghệ. Mình giao cho họ quản trị công nghệ để phát triển nhanh, tiếp cận với công nghệ cao 4.0. Đấy là cách tiếp cận vừa hiệu quả trong ngắn hạn, vừa bền vững trong dài hạn.

- Nhưng nếu như doanh nghiệp nước ngoài họ năm quyền chi phối thì sao, thưa ông?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Khi kêu gọi các nhà đầu tư về điện gió ngoài khơi hay cảng biển liên quan đến an ninh quốc phòng thì đương nhiên về mặt chủ trương, Chính phủ sẽ cân nhắc rất kỹ. Không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng vào đầu tư được vì nó liên quan đến an ninh quốc gia. Thông thường, doanh nghiệp nước ngoài nếu nắm 51% thì họ sẽ quyết định việc bán hay không bán. Nhưng trong bài toán kinh tế, đương nhiên các tập đoàn lớn khi họ đã đầu tư vào, tiền của họ, quản trị của họ thì đương nhiên họ phải nắm giữ 51%.

Vì vậy, trong quá trình hợp tác, mình đều có 1 điều khoản chẳng hạn như 51% thì có quyền điều hành nhưng có điều khoản bắt buộc, cố định dù 51% hay 99% thì cũng phải tôn trọng đối tác trong nước. Khi chuyển nhượng phải được sự đồng ý của các cổ đông còn lại và bằng văn bản, ưu tiên các cổ đông trong nước.

Trước khi hợp tác đầu tư, chắc chắn sẽ phải xin ý kiến Chính phủ vì các dự án này khi chuyển nhượng sẽ liên quan tới an ninh quốc gia. Trong quá trình hoạt động, phải có sự đồng ý của các cổ đông lớn và chúng tôi rất kiên quyết bảo vệ điều đó khi đàm phán. Tốt nhất là đưa điều kiện bắt buộc này ngay từ đầu, nếu đồng ý thì “chơi”, không thì thôi!

- Dường như ông không chỉ hướng đến phát triển năng lượng tái tạo đơn thuần?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Đúng vậy. Với NLTT, chúng tôi kết hợp “2 trong 1”. Vừa rồi, khi hợp tác với các tập đoàn lớn trong điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, T&T Group có gửi bản đề xuất với Chính phủ, đề nghị các đối tác phải lập liên danh đầu tư 1 khu công nghiệp phụ trợ NLTT công nghệ cao tại Việt Nam. Tới đây, khi phát triển nhiều dự án NLTT thì nhu cầu vật tư, thiết bị của ngành này rất lớn, mà hiện tại nhập khẩu là chính. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng trong 10 năm tới khi đầu tư tiếp nhiều dự án NLTT thì cần phải có nền công nghiệp NLTT, công nghiệp phụ trợ. Khi đó, công nghiệp phụ trợ NLTT không những phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu cho khu vực vì xu thế của tương lai là phát triển điện gió, điện mặt trời.

T&T Group đặt vấn đề với một tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới là Orsted để đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, sản xuất trang thiết bị, vật tư cung cấp cho các dự án NLTT ở Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Hiện nay, dự án này đang được nghiên cứu, khảo sát ở Bình Thuận, Ninh Thuận với công suất 13,5 triệu tấn/năm. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm, và giai đoạn 2 khoảng 12,0 triệu tấn sản phẩm.

Đây cũng chính là mô hình mà các cường quốc NLTT trên thế giới như Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đang vận hành. Đề xuất xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ NLTT của T&T Group cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực NLTT đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên đến 60% vào năm 2030; đến năm 2050, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phía Orsted cũng đã đồng ý chủ trương liên doanh đầu tư, tuy nhiên họ cũng bày tỏ băn khoăn quy hoạch 10 năm tới trong lĩnh vực NLTT sẽ như thế nào, để họ thấy hiệu quả khi cùng T&T đầu tư khu công nghiệp phụ trợ cho NLTT. Theo Orsted thì với quy hoạch hiện nay, công suất dành cho NLTT ở Việt Nam vẫn còn thấp, nên họ thấy chưa hiệu quả. Ví dụ như về điện gió thì từ nay đến 2030 để thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp sản xuất, phụ trợ, phía Orsted cho rằng tối thiểu công suất điện gió ngoài khơi trong quy hoạch phải được 10 GW.

Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ KTĐT rất quan tâm, vì nếu được triển khai sẽ tạo ra nền công nghiệp phụ trợ NLTT cho Việt Nam và chúng tôi vấn đang bằng nhiều cách để thúc đẩy sự hoàn thiện chính sách cho lĩnh vực này.

- Theo ông, vì sao T&T Group luôn được các đối tác nước ngoài ưu tiên lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực NLTT?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Thứ nhất, so với các doanh nghiệp trên thế giới thì tuổi đời của T&T chưa nhiều, nhưng so với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thì T&T nằm trong nhóm những công ty được thành lập sớm nhất (năm 1993) – nghĩa là kinh nghiệm ở thị trường nội địa có bề dày rất lớn.

Thứ hai, khi nước ngoài họ tìm đối tác tại Việt Nam thì điều đầu tiên họ quan tâm là quá trình phát triển, trong đó đặc biệt chú ý đến tính cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp. Tôi nghĩ đó cũng là một thế mạnh của T&T Group. Khi chính thức hợp tác, chúng tôi cùng thống nhất một mục tiêu tập trung chiến lược, trước hết phải bám vào mục tiêu - tầm nhìn chiến lược quốc gia để có những đóng góp xứng tầm, đồng thời 2 bên luôn luôn giữ nguyên tắc “Win – Win”, cùng có lợi.

Lúc đầu, họ cũng khó chịu, bởi như tôi đã chia sẻ, T&T luôn đề nghị điều kiện phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam, để trong thời gian nhất định chúng ta tự chủ được về công nghệ, quản trị. Quan điểm của tôi là các đối tác nước ngoài khi vào Việt Nam vừa đầu tư có hiệu quả, nhưng đồng thời cũng cần đóng góp, đầu tư vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Không thể vào đầu tư kiếm lợi nhuận rồi rút đi, bởi như thế thì cuối cùng chúng ta không tiếp cận được công nghệ, con người cũng không được đào tạo thì Việt Nam không phát triển được. Tôi nói thẳng quan điểm này với đối tác và từ thái độ không thích ban đầu, họ đã rất trân trọng T&T Group.

Nhiều đối tác gửi thư bày tỏ đánh giá cao T&T về tính cộng đồng, luôn luôn muốn con người Việt Nam được tiếp cận, tiếp thu công nghệ, đất nước Việt Nam phát triển bền vững. Nói năm 2045, Việt Nam sẽ là nước kinh tế phát triển thì cần cái gì. Tôi cho rằng, chúng ta cần “Con Người”. Muốn có con người phát triển thì phải đào tạo, mà muốn đào tạo nhanh nhất thì đi học các đối tác nước ngoài. Cần vừa làm vừa học, không gì bằng thực tế, chuyển giao công nghệ đào tạo tại chỗ.

- Tiến độ các dự án đã ký kết tại COP 26 của T&T đã triển khai đến đâu, thưa ông?

Doanh nhân Đỗ Quang HiểnVí dụ, với cam kết tài trợ 6 tỷ USD của ngân hàng Standard Chartered thì với những dự án đang làm, T&T thuê họ tư vấn luôn. Khoảng 20 công ty thành viên đang triển khai các dự án với công suất trên 1.000 MW, chúng tôi thuê họ tư vấn tái cấu trúc thành Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng T&T. Hiện nay, dự án của các đơn vị thành viên có nhiều đối tác muốn mua cổ phần. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn bán và định hướng để Standard Chartered tư vấn tái cấu trúc thành tập đoàn năng lượng. T&T Group muốn có tập đoàn năng lượng để đầu tư, tiếp cận công nghệ với các tập đoàn lớn mang tầm quốc gia và đang làm rồi.

Thứ hai là Tập đoàn Total của Pháp, sau khi ký kết với T&T cũng bắt đầu nhắm vào một số dự án mà họ biết. Dự kiến hai bên sẽ cho ra đời 1 công ty liên doanh để đầu tư các dự án NLTT tại Việt Nam.

Thứ ba là dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng ở Quảng Trị, rồi dự án T&T Group hợp tác với tập đoàn Viola của Pháp xử lý rác thải công nghiệp ở Thái Nguyên. Các dự án này phía Standard Chartered sẵn sàng cho vay.

Hoá ra ngân hàng này đã tìm hiểu và làm việc trước, biết hết thông tin Tập đoàn T&T đang có dự án nào đã xong và đang làm cái gì, dự án nào nằm trong danh mục dự án xanh theo các điều kiện họ đặt ra. Tôi bị bất ngờ bởi chưa gặp họ, sau đó cấp dưới mới báo cáo lên là Standard Chartered chủ động gửi thư đề nghị tài trợ 6 tỷ USD cho các dự án của tập đoàn, ngay trước chuyến đi dự hội nghị COP 26 của Thủ tướng. Sau khi sang châu Âu thì lãnh đạo Standard Chartered đã làm việc cùng T&T và các đối tác ở bên đó, gồm cả Orsted và Total.

- PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, ông mang trong mình khát vọng của một doanh nhân - dân tộc điển hình, luôn thôi thúc khát vọng về một Tổ quốc linh thiêng, hùng cường. Ông hướng đến tầm nhìn đưa T&T vào Top 50 doanh nghiệp hàng đầu châu Á, là khát vọng định vị tọa độ hội tụ sức mạnh quốc gia cho Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Thưa ông, ông hiện thực hóa khát vọng của mình trong những bước đi tới của tập đoàn T&T Group trong năm 2021 và những năm tiếp theo như thế nào?

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: Theo chiến lược đề ra, năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một nước kinh tế phát triển. Để kinh tế phát triển thì điều đầu tiên phải phát triển một số lĩnh vực như năng lượng, giáo dục… để Việt Nam trở thành đất nước có công nghiệp, kinh tế, xã hội, văn hóa đồng bộ. Công nghiệp trong đó có năng lượng nhưng chúng ta phải bắt kịp để đi nhanh, đi chắc về công nghệ cao. Năng lượng là lĩnh vực vừa phát triển bền vững, vừa là động lực lớn cho phát triển kinh tế, an ninh năng lượng. Việt Nam có rất nhiều lợi thế trở thành 1 cường quốc NLTT của châu Á, đặt biệt là điện gió ngoài khơi.

Từ tầm nhìn và nhận định này, tôi thấy nó là 1 xu thế và T&T Group là 1 tập đoàn bám sát xu thế chiến lược của quốc gia, của đất nước cũng như thế mạnh, sự phát triển của Việt Nam. Tôi hướng tập đoàn đi theo chính tầm nhìn, mục tiêu chiến lược đấy và tâm huyết cống hiến, đồng hành cùng xu thế, chủ trương, nghị quyết của Chính phủ. Mình đi nhanh, đi chắc, bền vững và bắt tay với những tập đoàn hàng đầu trong năng lượng.

Cùng đồng hành và hợp tác với họ và sau này T&T Group sẽ nhận chuyển giao công nghệ mới, áp dụng cùng nghiên cứu, triển khai những công nghệ mới về NLTT vào Việt Nam. Chúng tôi là tập đoàn đầu mối đồng hành tiếp nhận đầu tư, triển khai các dự án năng lượng và những nghiên cứu về công nghệ cao trong tương lai.

Về cơ bản tôi rất tâm huyết! Có người khuyên: “Ông Hiển ơi ông làm năng lượng vất vả lắm, đầu tư nhiều tiền lắm, nghe thì oách nhưng rủi ro, thời gian dài”. Nhưng đất nước cần công nghệ, doanh nghiệp cần công nghệ, mà có công nghệ mới trở thành các tỷ phú. Tôi rất đam mê công nghệ. Muốn đi nhanh và phát triển thì phải là công nghệ cao. Tất cả các lĩnh vực tôi đều quan tâm và tập trung cho công nghệ.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Kính chúc ông và T&T Group sẽ có một năm 2022 mạnh như hổ để hiện thực hóa những khát vọng tương lai!

Nguồn Reatimes
Chia sẻ: