7/10/2024

Kỳ vọng về sự bứt phá từ Cảng hàng không Quảng Trị

Cảng hàng không Quảng Trị không chỉ là bệ phóng kinh tế xã hội cho vùng đất lửa anh hùng mà con góp phần thúc đẩy phát triển cả dải đất miền Trung ven biển

Chiều 6/7, tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T-Cienco 4 sẽ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, đây là cảng hàng không thứ 2 tại Việt Nam đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), sau Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).

Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148 ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.

Dự án nằm tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh) với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách mỗi năm và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021-2030 và một trong 19 càng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050.

Quảng Trị với đường bờ biển dài, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử cách mạng quan trọng gắn với các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải,.. Đơn vị đầu tư dự án dự báo, khi có sân bay lượng khách từ 2 đầu đất nước đổ về thăm lại chiến trường xưa, tham quan các di tích gắn với lịch sử dân tộc sẽ bùng nổ.

"Sân bay Quảng Trị khi đưa vào khai thác sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến địa phương của du khách", đại diện liên danh nói. Du khách đến Quảng Trị bằng đường hàng không sẽ không cần phải bay một chuyến trung gian đến sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó mới tiếp tục đi đường bộ về đây như trước.

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước và có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong. Quảng Trị cũng đặt mục tiêu phát triển đủ 5 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không.

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị là dự án động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Dự án không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay... tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư, góp phần xây dựng Quảng Trị giàu đẹp.

Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào-Thái Lan, dự án đường ven biển nối hành lang kinh tế Đông Tây, cao tốc Lao Bảo-Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy-Đông Hà-Lao Bảo..., Cảng hàng không Quảng Trị được xem mảnh ghép quan trọng hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của tỉnh, tạo động lực và cơ hội để Quảng Trị tăng tốc và bứt phá.

"Với vai trò đặc thù, vị trí địa lý thuận lợi, và quyết tâm đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, cơ hội phát triển bền vững, tươi đẹp đang hiện hữu từng ngày tại địa phương", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, dự án sân bay không chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, mà quan trọng hơn, dự án còn hiện thực hóa khát vọng bao đời của nhân dân Quảng trị là rút ngắn hành trình Bắc - Nam, giúp cho người dân địa phương và những gia đình có người thân, đồng đội chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; bạn bè quốc tế đến với mảnh đất, con người Quảng Trị được thuận lợi, nhanh chóng.

"Việc xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị là khát vọng của người dân Quảng Trị và sự hoài bảo lớn minh chứng cho sự vươn lên của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói và cho biết thêm, đó cũng là sự mong muốn các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo ở Đảng và Nhà nước mỗi khi đến thăm và làm việc với Quảng Trị - mảnh đất có nhiều di tích lịch sử cách mạng, trong đó 72 nghĩa trang liệt sĩ.

Ngoài ra, công trình còn thể hiện sự quyết tâm của tỉnh đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu kết nối giữa các địa phương, kết nối vùng và bạn bè quốc tế phục vụ cho phát triển mọi mặt.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) nhìn nhận, vị trí địa lý tỉnh Quảng Trị hiện kết nối giao thông giữa tỉnh với các vùng miền cả nước chủ yếu bằng đường sắt, đường bộ và đường biển. Điều này gây tốn kém thời gian khi các đối tác đến đầu tư, giảm sức hấp dẫn về thế mạnh du lịch và cạnh tranh trong các lĩnh vực.

Vì thế, theo ông Nề, dự án được khởi công xây dựng sẽ hiện thực hóa mục tiêu "mở cửa bầu trời", tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách trong và ngoài nước đến tri ân vùng đất anh hùng. Ngoài ra, các nhà đầu tư đến Quảng Trị để nghiên cứu đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, khu kinh tế, tăng cường giao thương giữa địa phương trong vùng thông qua các Hành lang kinh tế Đông-Tây, tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar-Thái Lan-Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Với vai trò nhà đầu tư dự án, ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group chia sẻ, Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị linh thiêng.

Cùng với các dự án quy mô lớn khác về năng lượng, hạ tầng, bất động sản đang được triển khai đầu tư, T&T Group quyết tâm gắn bó, đồng hành, đưa kinh tế - xã hội Quảng Trị "cất cánh".

Chia sẻ: